Giá thịt lợn tăng mạnh: Mừng ít lo nhiều?

Sau khoảng 1 năm thịt lợn rơi vào tình trạng khủng hoảng và phải giải cứu, thì đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi đã và đang có dấu hiệu tăng mạnh. Nhiều nơi, giá bán đã cán mốc 50 nghìn đồng/1kg thịt lợn hơi. Với mức giá này người nuôi đã bắt đầu có lãi, tuy nhiên không ít người tỏ ra lo ngại và cho rằng liệu sự tăng trưởng này có thật sự bền vững?.
Người chăn nuôi đã có lãi
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), nếu như thời điểm giữa tháng 5/2018, giá lợn hơi đã có dấu hiệu tăng khi giá xuất chuồng đã cán mốc từ 40 – 45 nghìn đồng/1kg thịt lợn hơi. Thì đến thời điểm cuối tháng 5, giá lợn hơi đã tăng lên mức từ 45 – 50 nghìn đồng/1kg.
gia thit lon tang manh mung it lo nhieu
Giá thịt lợn hơi tăng mạnh.
So với thời điểm này năm ngoái, giá lợn hơi đã tăng gấp 2,5 đến 3 lần. Người chăn nuôi phấn khởi, vui mừng vì sau thời điểm khủng hoảng thừa, phải giải cứu thịt lợn, thậm chí nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh thua lỗ, phải đóng cửa chuồng trại, thì nay việc chăn nuôi đã có lãi.
Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở Ba Vì, Hà Nội cho biết, dạo trước giá thịt lợn xuống thấp khiến gia đình anh phải bán lỗ hàng tấn lợn, thậm chí anh còn có ý định đóng cửa chuồng trại và chuyển sang lĩnh vực khác vì chăn nuôi thua lỗ. Tuy nhiên, sau một năm cố gắng bám trụ với đàn lợn, đến thời điểm hiện tại anh đã xuất chuồng và bán được với giá 48 nghìn đồng/1kg, với mức giá này, mỗi con lợn xuất chuồng anh Thắng đã có lãi trên dưới 1 triệu đồng.
Cùng với việc giá thịt lợn hơi tăng mạnh tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi, giá mặt hàng thịt lợn tại các chợ dân sinh theo đó cũng có chiều hướng tăng giá. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, thời gian này giá bán các mặt hàng thịt lợn đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, tại khu vực chợ Tân Xuân, chợ Kẻ Vẽ (Bắc Từ Liêm) giá thịt lợn bán ra đã tăng trên dưới 20%. Theo đó, thịt lợn ba chỉ, thịt nạc vai được bán ra với mức giá từ 80 – 90 nghìn đồng/1kg, sườn non, thịt chân giò có giá từ 90 – 100 nghìn đồng/1kg.
Còn anh Hưng một hộ kinh doanh thịt lợn ở chợ Kẻ Vẽ (Bắc Từ Liêm) cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 3/2018 giá thịt lợn hơi đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, sang tháng 4 và cho đến thời điểm hiện tại thì giá bán thịt lợn hơi đã tăng mạnh, khiến giá bán các mặt hàng thịt lợn tại chợ cũng tăng theo. Tuy nhiên, điều khiến anh Hưng và nhiều người kinh doanh thịt lợn lo lắng đó chính là việc nguồn cung đang có dấu hiệu thiếu hụt, thậm chí nhiều hộ chăn nuôi có dấu hiệu găm hàng chờ giá.
Liệu có bền vững?
Đề cập đến nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng mạnh thời gian gần đây, đại diện Bộ NNPTNT cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung giảm mạnh bởi trước đó, sau khoảng thời gian hơn 1 năm khủng hoảng không tìm được đầu ra cho thịt lợn, nhiều hộ chăn nuôi đã giảm đàn và thậm chí là ngừng chăn nuôi. Số liệu từ Bộ NNPTNT cho thấy, hiện số lượng lợn trên cả nước đã giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2017. Và với tốc độ không thay đổi như hiện nay, việc khan hiếm nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong thời gian tới là vấn đề được nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT, việc giá lợn tăng mạnh thời gian qua là điều đã được tiên lượng trước sau đợt khủng hoảng thịt lợn vào năm 2017, đây là kết quả của việc các địa phương thực hiện chính sách giảm cung, tăng cầu. Cũng theo ông Dương, với mức giá hiện tại người chăn nuôi đang có lãi.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững thì người chăn nuôi không nên găm hàng chờ giá, quan trọng nhất là không nên tăng đàn thời điểm này, mà nên duy trì sự phát triển ổn định đàn lợn tại gia đình như thời điểm hiện tại. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng vì nguồn cung thịt lợn cho thị trường hiện nay khá dồi dào.
Cùng chung quan điểm với ông Dương, đại diện Hiệp hội chăn nuôi cũng cho rằng, lý do khiến giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian gần đây do lượng tồn đã hết. Bên cạnh đó, sau cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn cuối năm 2016, đầu năm 2017 đã khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ, dẫn đến kiệt quệ và khả năng tăng đàn, tái đàn là không thể. Do đó, việc nguồn cung thịt lợn ra thị trường giảm dẫn đến giá thành tăng cao thời điểm hiện tại là điều đã nằm trong dự đoán.
Có thể thấy, việc giá thành thịt lợn tăng cao khiến người chăn nuôi rất vui mừng vì chăn nuôi đã có lãi, thế nhưng, trước sự tăng giá đột biến này không ít hộ chăn nuôi cũng tỏ ra lo ngại về tính bền vững của nó. Bởi lẽ, từ trước đến nay ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn mang tính nhỏ lẻ, chăn nuôi sản xuất chưa căn cơ, chạy theo biến động của thị trường mà quên đi việc tăng cường kết nối, tiêu thụ.
Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi còn làm ăn chộp giật, sử dụng các chất cấm vào chăn nuôi…khiến người tiêu dùng mất lòng tin. Vì thế, để đảm bảo sự phát triển bền vững việc phát triển theo các chuỗi sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng.

Nhận xét