Mô hình kinh doanh dàn trải trong khi dung lượng thị trường hẹp của công ty in 3D Factory khiến 5 nhà đầu tư từ chối rót vốn trong Shark Tank Việt Nam vào tối 29/8.
Tham vọng phá bỏ mọi giới hạn sáng tạo
Lên sóng Shark Tank Việt Nam vào tối 29/8, Thân Đức Nghĩa kêu gọi 200.000 USD cho 10% cổ phần Công ty 3D Factory do anh sáng lập. Đây là nền tảng kết nối cộng đồng sử dụng máy in 3D.
"Điều kỳ diệu của công nghệ 3D là tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh trong một lần in mà không mất công lắp ráp từng bộ phận", Nghĩa nhấn mạnh.
Thân Đức Nghĩa - Nhà sáng lập Công ty 3D Factory - trong Shark Tank Việt Nam vào tối 29/8.
Các chuyên gia từng đánh giá, thị trường công nghệ in 3D sẽ đạt mức 21 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển bùng nổ, công nghệ chững lại, chỉ phổ biến trong giới kỹ thuật do bắt buộc người dùng biết thiết kế, vận hành máy in 3D.
Với mong muốn đem công nghệ 3D phục vụ cho hầu hết các lĩnh vực, 3D Factory đưa ra giải pháp khắc phục nhược điểm của công nghệ này. Doanh nghiệp tạo ra môi trường cho những người làm 3D tải lên, bán mẫu sản phẩm hoặc thiết kế theo yêu cầu khách hàng. Hơn nữa, thiết bị kết nối máy in với internet giúp công ty sản xuất sản phẩm ngay tại nhà khách hàng.
"Công nghệ in 3D có thể phá bỏ mọi giới hạn sáng tạo", Nghĩa khẳng định.
Tăng trưởng chậm do nhà sáng lập sai lầm
Máy in công nghệ do 3D Factory tự sản xuất, phát triển. Ngoài ra, công ty có bút quét 3D gắn 100 máy quay nhỏ để chụp lại nhiều góc khác nhau. Khách hàng gồm 8 đối tượng với khách hàng trọng tâm là các kiến trúc sư, chuyên viên bán dự án căn hộ, người thiết kế game và sinh viên.
Đến nay, 3D Factory vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển, nên chưa có đội ngũ marketing. Công ty có hai cổ đông chính (Nghĩa sở hữu 80% cổ phần) và 5 nhân viên.
Các sản phẩm của Công ty 3D Factory.
Trung bình giá thành một sản phẩm là 1,5 triệu đồng với thời gian in khoảng 14 tiếng. Doanh số trong 6 tháng gần nhất đạt 250 triệu đồng. Nguồn thu đến từ 4 mảng chính, bao gồm: bán và cho thuê máy in 3D, gia công dịch vụ in 3D, thu phí dịch vụ từ các nhà thiết kế, phí nhượng quyền.
Trước thắc mắc kinh doanh thu tăng trưởng quá chậm của "vua chảo" Nguyễn Xuân Phú, Nghĩa thẳng thắn chia sẻ câu chuyện sai lầm mà doanh nghiệp vướng phải là nhập nhằng trong vai trò điều hành giữa hai nhà đồng sáng lập.
5 nhà đầu tư đều lắc đầu
Hai nhà đầu tư Nguyễn Xuân Phú, Thái Vân Linh nhanh chóng rút lui khỏi thương vụ vì cho rằng dung lượng, quy mô thị trường của 3D Factory quá hẹp.
Cảm thấy khó hiểu về mô hình kinh doanh dàn trải, đặc biệt phần trình bày của nhà sáng lập trái ngược hoàn toàn với định hướng ban đầu của công ty, nên "cá mập công nghệ" Nguyễn Mạnh Dũng từ chối rót vốn.
Mặc dù đánh giá cao sự cố gắng của Đức Nghĩa, ông chủ Egroup vẫn "lắc đầu" do tính thương mại của dự án 3D Factory không cao.
Quyết định tương tự, doanh nhân Phạm Thanh Hưng không xuống tiền. Nhưng ông khuyên nhà sáng lập nên dành hết tâm huyết để thành lập xưởng thiết kế, dịch vụ in 3D và tự sản xuất máy phục vụ cho nhu cầu bản thân. Ông đánh giá thị trường in 3D hiện nay còn rất sơ khai, nên lợi ích kinh tế nó mang lại còn hạn chế.
Nhận xét
Đăng nhận xét