Soi giao dịch cổ phiếu 'chứng quyền' trước giờ G ra mắt, giá chứng khoán cơ sở bao nhiêu để mua CW có lãi?
Các cổ phiếu phát hành chứng quyền có đảm bảo (covered warrant) biến động thế nào trước ngày ra mắt?
Nhìn chung, tính từ thời điểm đầu năm đến nay, hầu hết các cổ phiếu chứng quyền đều có sự tăng trưởng về giá, với tỉ lệ tăng cao nhất lên đến 23,71%.
Trong đó, cổ phiếu FPT của CTCP FPT có sự bứt phá mạnh nhất với mức tăng 23,71%. Sau khi thiết lập mức giá thấp nhất 36.000 đồng/cp vào ngày 4/1, cổ phiếu FPT liên tục tăng lên mức giá cao nhất 50.400 đồng/cp ngày 15/5, tương ứng mức tăng 25,7%. Diễn biến tiếp theo, cổ phiếu này có nhịp điều chỉnh về 43.300 đồng/cp vào ngày 4/, sau đó bật tăng lên 45.700 đồng vào ngày 10/6, rồi lại điều chỉnh về 44.050 ngày 18/6.
Hiện tại, cổ phiếu FPT đã tạo xong mô hình hai đáy hướng lên và bứt phá qua đường cản chéo cho tín hiệu một đợt tăng giá mới. Kết phiên giao dịch 21/6, cổ phiếu FPT đóng cửa tại 45.400 đồng/cp. Khối lượng giao dịch của FPT trong giai đoạn này khá ổn định, duy trì trung bình ở mức quanh 1 triệu đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.
Đứng thứ hai trong danh sách tăng giá là cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) với tỉ lệ 13,08%. Thiết lập mức đáy 18.100 đồng/cp ngày 4/1, cổ phiếu MBB có nhịp tăng với tỉ lệ 18,61% lên mức giá cao nhất 22.200 đồng/cp vào ngày 21/3, với thanh khoản duy trì ở mức 7 triệu cp/phiên.
Sau đó cổ phiếu này giảm dần về 20.200 đồng/cp vào ngày 6/6, rồi lại đảo chiều và tiếp tục tăng lên mức giá 21.300 đồng/cp. Thanh khoản trong giai đoạn này đã giảm đi đáng kể, chỉ còn đạt mức trung bình khoảng 2 triệu đơn vị mỗi phiên.
Hiện tại, MBB đang có dấu hiệu bứt phá qua kênh giảm giá bằng cây nến xanh dài phiên 20/6, khối lương giao dịch trong phiên này cũng cao hơn nhiều so với những phiên trước đó, đạt 2,9 triệu đơn vị.
Xếp sau MBB, cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới Di động ghi nhận mức tăng 8,27% từ đầu năm đến nay. Cụ thể, cổ phiếu MWG chủ yếu đi ngang trong giai đoạn từ ngày 2/1 – 19/3, chỉ có duy nhất một nhịp tăng nhẹ từ mức 81.500 đồng/cp ngày 1/2 lên 88.000 đồng/cp ngày 25/2 với thanh khoản trung bình khoảng 800.000 đơn vị mỗi phiên.
Giai đoạn sau đó, cổ phiếu MWG liên tục điều chỉnh về 80.000 đồng/cp vào ngày 18/4 với thanh khoản cạn dần, đạt hơn 200.000 đơn vị/phiên. Tuy nhiên, kể từ 18/4 đến nay, cổ phiếu này bất ngờ đảo chiều và liên tục tăng lên 91.000 đồng/cp ngày 21/6, cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Cùng với đó, khối lượng khớp lệnh cũng tăng trở lại, đạt trung bình 700.000 đơn vị mỗi phiên.
Ghi nhận mức tăng xấp xỉ với MWG, cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận có diễn biến tích cực trong giai đoạn 2/1 – 19/3 với mức tăng 13,04% từ 68.800 – 76.600 đồng/cp, thanh khoản trung bình 300.000 đơn vị/phiên. Diễn biến sau đó, PNJ chủ yếu dao động đi ngang đến ngày 17/5 với thanh khoản cạn dần rồi bật tăng lên mức 80.600 đồng/cp vào ngày 24/5, kèm theo đó là khối lượng giao dịch tăng vọt, đạt mức 500.000 đơn vị mỗi phiên.
Tuy nhiên, kể từ sau đó, cổ phiếu này điều chỉnh về 75.600 đồng/cp, xen vào đó là nhịp hồi lên 78.800 đồng/cp vào ngày 1 /6 rồi liên tục rớt giá về 71.500 đồng/cp. Trong ba phiên gần đây, cổ phiếu PNJ bật tăng lên 74.200 đồng/cp, tuy nhiên vẫn chưa thoát khỏi kênh giảm giá. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu PNJ tăng giá từ 68.800 đồng/cp lên 74.200 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ 7,73%.
Trong diễn biến khác, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) có nhịp tăng giá 24,76% từ 122.500 đồng/cp lên 149.800 đồng/cp trong khoảng thời gian 2/1 – 25/2. Sau đó, cổ phiếu này có nhịp điều chỉnh về 135.400 đồng/cp vào ngày 8/3, sau đó đi ngang đến ngày 18/4 rồi liên tục lao dốc còn 125.500 đồng/cp vào ngày 23/4, tương ứng mức giảm 16,3%.
Giai đoạn từ ngày 23/4 – 20/5, cổ phiếu VNM có nhịp hồi phục lên 135.900 đồng/cp. Kể từ sau ngày 20/5, cổ phiếu này tiếp tục giảm về 123.300 đồng/cp tại ngày 20/6, gần với mức đáy hồi đầu năm. Đáng chú ý, trong phiên ETF cơ cấu ngày 21/6, cổ phiếu VNM bật tăng 2.200 đồng/cp lên 135.500 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đột biến 2,6 triệu đơn vị, cao gấp 4 lần so với trung bình cả giai đoạn.
Trong khi các mã khác tăng giá mạnh, cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát gần như không thu được thành quả nếu tính từ đầu năm đến nay. Cụ thể, giá cổ phiếu HPG không có sự thay đổi so với đầu năm, giữ nguyên ở mức 23.700 đồng/cp. Đáng chú ý, sau khi giảm xuống mức đáy 21.000 đồng vào ngày 1/2, cổ phiếu này tăng đỉnh 27.000 đồng ngày 5/3, tương ứng mức tăng 28,5%.
Sau đó, giá cổ phiếu HPG điều chỉnh về 24.100 đồng/cp ngày 25/3, rồi đi ngang đến ngày 18/4. Trong giai đoạn 18/4 – 3/5, cổ phiếu HPG bật tăng 9,1% lên 26.300 đồng/cp, tuy nhiên sau đó liên tục giảm về mức 22.700 đồng. Cũng giống như PNJ, cổ phiếu này bật tăng trong 3 phiên gần đây, tuy nhiên vẫn nằm trong xu hướng giảm cả trung và dài hạn.
Nhà đầu tư mua chứng quyền, giá chứng khoán cơ sở tại ngày đáo hạn là bao nhiêu để có thể hòa vốn?
Xét tỉ lệ hoàn vốn theo mức giá đóng cửa ngày 21/6, tất cả các cổ phiếu trong danh sách phát hành chứng quyền đều phải tăng giá để hòa vốn với mức dao động khá lớn, từ 5,6% đến 107%. Đáng chú ý, tỉ lệ hoàn vốn có mối liên hệ khá rõ nét với kết quả phát hành chứng quyền của các công ty chứng khoán. Các sản phẩm chứng quyền có tỉ lệ đòi hỏi thấp đều "cháy hàng" trong khi các sản phẩm có tỉ lệ hòi hỏi cao lại khá "ế ẩm".
Sản phẩm "rẻ nhất" là chứng quyền MBB/3M/SSI/C/EU/Cash-01 dựa trên cổ phiếu MBB của Chứng khoán SSI với tỉ lệ hoàn vốn yêu cầu 5,6%, trong đó giá hiện tại cổ phiếu MBB là 21.300 đồng/cp và giá hòa vốn là 22.500 đồng/cp. Được biết, Chứng khoán SSI chỉ phát hành một chứng quyền trong đợt đầu tiên và thuộc top ba đơn vị "cháy hàng" với tỉ lệ phân phối thành công 99,95%.
Bên cạnh đó, với tỉ lệ hoàn vốn yêu cầu 5,8%, sản phẩm chứng quyền MWG/BSC/C/EU/Cash-01 dựa trên cổ phiếu MWG của Chứng khoán BSC cũng "cháy hàng". Cụ thể, sản phẩm này có mức giá hòa vốn của cổ phiếu MWG là 96.300 đồng/cp và giá hiện tại là 91.000 đồng/cp.
Đơn vị còn lại phân phối thành công là Chứng khoán MBS với hai sản phẩm CPNJ01MBS19CE dựa trên cổ phiếu PNJ và CHPG0IMBS19CE dựa trên cổ phiếu HPG cùng tỉ lệ hoàn vốn ở mức trung bình. Trong đó, tỉ lệ hoàn vốn của chứng quyền CPNJ01MBS19CE là 15,4% và của CHPG0IMBS19CE là 11,5%.
Ở chiều ngược lại, hai sản phẩm do Chứng khoán KIS Việt Nam phát hành đòi hỏi tỉ lệ hoàn vốn yêu cầu cao nhất. Đây cũng là hai sản phẩm "ế ẩm" nhất trong đợt phát hành vừa qua. Cụ thể, chứng quyền HPG.KIS.M.CA.T.01 dựa trên cổ phiếu HPG có giá hòa vốn 46.999 đồng/cp, cao hơn 107% so với giá hiện tại trên thị trường là 22.700 đồng/cp, tức là cổ phiếu HPG phải tăng giá gấp hơn hai lần để NĐT hòa vốn khi mua sản phẩm này. Đây có thể là lý do khiến cho chứng quyền này không có đơn vị nào được đăng kí mua.
Bên cạnh đó, sản phẩm chứng quyền VNM.KIS.M.CA.T.01 dựa trên cổ phiếu VNM có giá hòa vốn là 170.888 đồng/cp. Với mức giá thị trường hiện tại là 135.500 đồng/cp, cổ phiếu VNM cần tăng 26,1% để nhà đầu tư có thể hòa vốn. Do mức giá cao, KIS Việt Nam chỉ phân phối được chứng quyền này cho duy nhất một nhà đầu tư với số lượng 1000 đơn vị.
Tương tự, Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) cũng phát hành duy nhất chứng quyền dựa trên cổ phiếu MBB là MBB-HSC-MET01 với giá hòa vốn là 25.000 đồng/cp, cao hơn 17,1% so với mức giá 21.300 đồng/cp trên thị trường. Với mức giá phát hành đắt thứ hai sau KIS Việt Nam, HSC cũng có tỉ lệ phân phối khiêm tốn, chỉ đạt 1%.
Trong khi đó, sản phẩm MWG.VND.M.CA.T.2019.01 của chứng khoán VNDirect có lợi suất đòi hỏi 7,3%, khá thấp so với các chứng quyền khác, nhưng tỉ lệ phân phối chỉ đạt 17,08%. Sản phẩm còn lại của VNDirect là FPT.VND.M.CA.T.2019.01 có lợi suất đòi hỏi 12,3% và tỉ lệ phân phối 36,32%.
Ngoài ra, sản phẩm M_HPG_VPS_CA_T của Chứng khoán VPS có tỉ lệ hoàn vốn 15,4% và phân phối được 31,73%.
Nhận xét
Đăng nhận xét