[Báo cáo] Thị trường gạo quý II/2021: Dịch bệnh phức tạp, xuất khẩu sang thị trường chủ đạo giảm mạnh
Tháng 6, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường chủ đạo sụt giảm mạnh so với tháng 5 do dịch COVID-19 ở miền Nam đang diễn biến phức tạp. Tính chung cả 6 tháng 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,03 triệu tấn, giảm 14,8% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Theo FAO, trong 6 tháng đầu 2021, sản lượng sản xuất gạo thế giới 259,75 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ; Sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu đạt 260,4 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2020.
Trong tháng 6, chỉ số giá gạo FAO trung bình đạt 108,3 điểm, giảm 2,1% so với tháng trước (tại 2002 - 2004 là 100 điểm) và giảm 5,3% so với cùng kỳ 2020. Giá gạo thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng qua, do chi phí vận tải cao và thiếu container làm hạn chế xuất khẩu.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 ở miền Nam Việt Nam đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc vận chuyển gạo. Trong tháng 6, cả nước xuất khẩu 436.140 tấn gạo, tương đương 241,61 triệu USD, giá trung bình 554 USD/tấn, giảm mạnh 30,4% về lượng và giảm 28,7% về kim ngạch so với tháng 5/2021 nhưng tăng nhẹ 2,4% về giá. So với tháng 6/2020 giảm 3,2% về lượng nhưng tăng 6,3% kim ngạch và tăng 9,8% về giá.
Tháng 6, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường chủ đạo sụt giảm mạnh so với tháng 5, trong đó xuất khẩu sang Philippines giảm mạnh gần 35% cả về lượng và kim ngạch, đạt 150.735 tấn, tương đương 78,79 triệu USD; Bờ Biển Ngà giảm mạnh 92% cả về lượng và kim ngạch, đạt 5.184 tấn, tương đương 3,2 triệu USD; Malaysia giảm 37,6% về lượng và giảm 39% kim ngạch, đạt 14.544 tấn, tương đương 7,48 triệu USD.
Đối với giá gạo trong nước, nguồn cung nội địa tiếp tục tăng khi nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch lúa vụ Hè thu.
Về dự báo giá gạo trong thời gian tới, FAO cho rằng chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng 12% lên mức kỷ lục do giá hàng hóa và nhu cầu tăng cao trước tác động của dịch COVID-19.
Kim ngạch nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt 1.715 tỷ USD trong năm nay, so với mức 1.530 tỷ USD của năm ngoái. FAO đánh giá tình trạng giá lương thực tăng từ cuối năm 2020 đã làm gia tăng rủi ro cho các nước nghèo vốn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.
Đọc thêm: https://vietnambiz.vn/gia-gao.html
Nhận xét
Đăng nhận xét