Startup Shark Tank VuFood đã mời chào nhà đầu tư vào các 'thương vụ bạc tỷ' như thế nào?

  nguon https://vietnambiz.vn/startup-shark-tank-vufood-da-moi-chao-nha-dau-tu-vao-cac-thuong-vu-bac-ty-nhu-the-nao-20211222115817343.htm


Theo nhẩm tính của các nhà đầu tư, tổng số tiền mà nhóm này đã rót vào các thiết bị của VuFood (VuGroup) có thể lên tới hơn 100 tỷ đồng.

"Tôi biết tới hình thức đầu tư của VuFood thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam", chị P., một nhà đầu tư đã rót 300 triệu đồng vào VuFood để mua sản phẩm máy rửa tay trang bị màn hình LCD, chia sẻ với chúng tôi.

"Nhân viên kinh doanh bên VuFood nói với tôi rằng họ đã lên sóng truyền hình và được Shark Hưng rót vốn đầu tư", một nhà đầu tư khác chia sẻ cách mà VuFood thuyết phục nhiều người tham gia vào hình thức sinh lợi nhuận của họ.

Khi được hỏi về thông tin VuFood tự ý sử dụng trái phép hình ảnh của Shark Hưng để đi mời chào đầu tư, chị P. thừa nhận là không biết và chỉ mới nghe vào khoảng thời gian gần đây, khi mọi chuyện đã dần được phơi bày. Đáng nói, không chỉ chị P., hàng trăm nhà đầu tư khác cũng tin vào thông tin mà phía Lê Vũ đưa ra.

Một hình ảnh "uy tín" mà đội ngũ VuFood tạo ra để mời chào các nhà đầu tư. (Ảnh nhà đầu tư cung cấp).

Mượn danh tiếng từ Shark Tank để thu hút nhà đầu tư

Điều đáng nói hơn cả, dù VuFood sử dụng hình ảnh của chương trình Shark Tank Việt Nam để đi gọi đầu tư. Hồi giữa tháng 5, đại diện truyền thông của Shark Phạm Thanh Hưng đã lên tiếng khẳng định vị cá mập và tập đoàn Cen Group không có bất kỳ mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp nào với CTCP giải pháp kinh doanh Lê Vũ. Đó là lần hiếm hoi các bên liên quan đến chương trình Shark Tank lên tiếng trước việc VuFood nhắc đến họ.

Trước đó, CTCP giải pháp kinh doanh Lê Vũ (VuFood) do CEO Lê Tuấn Vũ thành lập đã từng lên sóng Shark Tank mùa 3 phát sóng năm 2019 để gọi vốn đầu tư cho sản phẩm máy pha chế tự động và được Shark Hưng đồng ý rót vốn 350.000 USD cho 36% cổ phần. Tuy vậy, sau thời điểm lên sóng, VuFood đã không vược qua vòng thẩm định doanh nghiệp và thương vụ rót vốn đã không diễn ra. 

Vufood đưa ra mức lợi nhuận khủng mà không cần làm gì, 'tạch' gọi vốn ở Shark Tank nhưng vẫn có thể lừa hàng trăm người - Ảnh 2.

Hình ảnh CEO Lê Tuấn Vũ bắt tay với Shark Hưng được VuFood tận dụng triệt để. (Ảnh: VuFood).

Sau động thái của từ Shark Hưng, VuFood cũng đã lên tiếng xin lỗi và cho biết "mặc dù không thực sự cố tình nhưng do sơ suất trong việc chọn lọc nội dung nên chúng tôi có khiến cho công chúng hiểu lầm".

"Chúng tôi cam kết sẽ xem xét và điều chỉnh lại tất cả những thông tin sai sót (nếu có) liên quan tới sự việc này để không làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của hai bên. Chúng tôi cũng khẳng định không sử dụng thương hiệu và hình ảnh cá nhân của Shark Hưng để quảng bá cho các chương trình, hoạt động truyền thông/marketing của chúng tôi", thông báo từ VuFood cho biết.

Đầu tư một lần, nhận tiền quanh năm?

Các bài đăng được chạy quảng cáo trên mạng xã hội đã vẽ ra một thiên đường đối với những người đầu tư như "1 vốn 4 lời", "không cần vận hành vẫn có thu nhập tốt", "kinh doanh chưa bao giờ an toàn đến thế",... 

Các sản phẩm kinh doanh của công ty cũng rất đa dạng, từ máy rửa tay sát khuẩn, đệm massage, trạm sạc pin, máy bán hàng tự động,... cùng hình thức kinh doanh ủy thác.

Ví dụ, với sản phẩm máy rửa tay sát khuẩn tự động kiêm màn hình quảng cáo, VuFood cho biết nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số vốn từ 15 triệu đồng sẽ có thể thu lợi nhuận 1 triệu đồng mỗi tháng, cam kết trả lãi đều trong vòng 2 năm. 

Theo hình thức đầu tư ủy thác, nhà đầu tư bỏ vốn 15 triệu đồng mua máy rửa tay sát khuẩn tự động, sau đó ủy thác cho VuFood thuê lại máy. Công ty này sẽ liên kết với các nhãn hàng để cho đăng quảng cáo trên các màn hình và kiếm tiền từ hoạt động này rồi trả lãi cho nhà đầu tư.

Với hình thức đầu tư này, công ty cho biết cam kết sẽ trả lãi ít nhất 1 triệu đồng mỗi tháng cho nhà đầu tư mà "không cần vận hành hay bất cứ việc gì khác". Điều đó có nghĩa, mỗi năm nhà đầu tư sẽ thu về ít nhất 12 triệu đồng (~80%/năm) cho loại hình đầu tư này. 

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chọn hình thức "Đầu tư theo hình thức ăn chia" với tỷ lệ 50/50, trong đó 50% doanh thu sẽ được trích cho nhà đầu tư. Ở hình thức này, công ty cũng yêu cầu số vốn tối thiểu là 15 triệu đồng, việc còn lại do VuFood sắp xếp và lo liệu.

"Tôi đã từng tìm hiểu kinh doanh máy bán cà phê tự động nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Sau khi nhìn thấy bài quảng cáo của họ, tôi đã quyết định xuống tiền, 190 triệu đồng cho một máy (sau chiết khấu) và được đặt tại một tòa nhà ở Hà Đông (Hà Nội)", anh D, một nhà đầu tư cho biết.

Người này thậm chí còn chưa được tận mắt nhìn thấy tài sản mà mình mua từ VuFood mà chỉ nhìn thấy các máy khác đặt ở một số địa điểm nhất định như trường học, bệnh viện. Trong khi đó, một nhà đầu tư khác cũng đã tin vào vào các bài đăng cũng như hình ảnh nhân viên kinh doanh VuFood đưa ra và quyết định xuống tiền.

Hình ảnh app quản lý thiết bị mà VuFood cung cấp với nhà đầu tư. (Ảnh nhà đầu tư cung cấp).

VuFood luôn khẳng định hình thức đầu tư của họ "vô cùng minh bạch" do mọi hoạt động có thể theo dõi thông qua phần mềm quản lý sản phẩm do công ty cung cấp. Qua đó, nhà đầu tư có thể theo dõi các hoạt động như số lượng quảng cáo, doanh thu từng máy và tổng doanh thu thu được mỗi ngày.

Chưa kể, các sản phẩm của họ được xây dựng hình ảnh hướng tới sức khỏe cộng đồng như máy rửa tay sát khuẩn, ghế massage,... điều khiến các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm vì cho rằng "đây là hoạt động kinh doanh tốt, có lợi cho xã hội". Công ty còn cam kết hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm địa điểm đặt máy để kinh doanh, quảng cáo sản phẩm.

Theo phản ánh của một nhà đầu tư, những con số này không đáng tin cậy khi phía công ty thông báo ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa nhưng doanh thu, sản lượng vẫn nhảy đều đều. Đáng nói, khi được hỏi về những con số này, nhân viên kinh doanh bên VuFood cho biết đây chỉ là "con số tượng trưng".


Nhận xét